Mua Bán Nhà Đất – Nhà Đất Số

Hơn 300 triệu USD vốn ngoại chảy vào bất động sản trong 2 tháng đầu năm 2018

Trong 2 tháng đầu năm 2018, có 312,1 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản, chiếm 9,3% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Theo số liệu Cục Đầu tư nước ngoài vừa công bố, kinh doanh bất động sản là lĩnh vực “hút” vốn đầu tư nước ngoài lớn thứ 3, chỉ sau công nghiệp chế biến chế tạo và xây dựng trong 2 tháng đầu năm 2018. Tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần là 3,34 tỷ USD, bằng 98,2% so với cùng kỳ năm 2017.


Sự hiện diện của các nhà đầu tư ngoại sẽ giúp bổ sung vốn, kinh nghiệm, tính cạnh tranh và đa dạng sản phẩm…
Theo lĩnh vực đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 16 ngành lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đạt 1,83 tỷ USD, chiếm 54,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực xây dựng đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 345,4 triệu USD, chiếm 10,3% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Đứng thứ ba là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với tổng vốn đầu tư đăng ký 312,1 triệu USD, chiếm 9,3% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Trước đó, trong năm 2017, bất động sản là lĩnh vực đứng thứ 3 về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (cả vốn trực tiếp FDI và góp vốn mua cổ phần), với 3,05 tỷ USD, chiếm 8,5% tổng vốn đăng ký.

Luỹ kế đến cuối năm 2017, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đã thu hút với 53,1 tỷ USD vốn đăng ký, chiếm 16,7% tổng vốn đầu tư.

Theo nhận định của TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc Đầu tư Savills thì sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đem lại một nguồn lực phát triển bổ sung, giúp đẩy nhanh hơn nữa quá trình tăng trưởng của Việt Nam so với nếu chỉ có riêng dòng vốn nội địa tham gia. Nền kinh tế sẽ được hưởng lợi thuần túy từ sự hiện diện của một dòng vốn lớn.

Bên cạnh đó, việc thị trường trở nên đa dạng về thành phần tham dự sẽ hỗ trợ cho sự phát triển để trở thành một thị trường bền vững; sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoại cũng sẽ làm tăng tính cạnh tranh, cả lĩnh vực phân phối và phát triển, sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn cho người sử dụng, người mua nhà khi các công ty luôn trong áp lực phát triển từ một thị trường lớn, từ đó phải tích cực tìm kiếm các giải pháp mới, không ngừng cải tiến hoạt động kinh doanh và sản phẩm. Việc hợp tác, liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài sẽ giảm áp lực lệ thuộc ngân hàng của doanh nghiệp bất động sản.

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM cũng cho rằng, dòng vốn đầu tư nước ngoài và nguồn kiều hối vẫn tiếp tục là nguồn lực quan trọng đầu tư vào nền kinh tế và thị trường bất động sản trong năm 2018.

Trong khi đó, trước làn sóng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã tăng mạnh trong năm 2017, chủ một doanh nghiệp bất động sản lớn ở Hà Nội đã nói: Điều gì cũng có hai mặt. Theo đó, sự hiện diện của các nhà đầu tư ngoại sẽ giúp bổ sung vốn, kinh nghiệm, tính cạnh tranh và đa dạng sản phẩm; tạo lập các yếu tố nền tảng để thị trường có thể phát triển bền vững; từ đó gián tiếp mang tới lợi ích cho những doanh nghiệp nội địa. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải đứng trước sự cạnh tranh lớn từ những đối thủ giàu kinh nghiệm, cơ chế điều hành, tiềm lực tài chính từ nước phát triển hơn.

Nguyễn Khánh – Măng Giang

Từ 3/3, đất chuyển nhượng bằng giấy viết tay được cấp sổ đỏ

Nghị định 01 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai được đánh giá đã giải quyết hàng loạt vướng mắc cho người dân, một trong số đó là sẽ cấp sổ đỏ cho đất chuyển nhượng bằng giấy tay.



Thủ tục nhà đất sẽ nhanh hơn

Ngày 20/2, UBND TP.HCM đã tổ chức Hội nghị triển khai hướng dẫn Nghị định 01/2017/NĐ-CP (Nghị định 01)về sửa đổi, bổ sung một số quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai. Nghị định 01 này được đánh giá đã “gỡ nút thắt” nhiều vướng mắc cho người dân về pháp luật đất đai được các bộ ngành rà soát trong 2 năm qua.

Vấn đề thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực đất đai, từ lâu đã là “nỗi khổ” của nhiều người. Việc rút ngắn từ 1/3 đến ½ thời gian thực hiện đối với nhiều thủ tục đăng ký biến động đất đai so với trước đây là một nội dung được đánh giá cao trong Nghị định 01.

Với việc nới phạm vi xét cấp sổ đỏ cho trường hợp chuyển nhượng đất bằng giấy tay, hàng ngàn người sẽ được hợp thức hoá đất đai của mình. (Ảnh minh hoạ)
Đơn cử như: Cho phép chuyển mục đích sử dụng đất không quá 15 ngày; đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất không quá 30 ngày; Chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, đăng ký góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là không quá 10 ngày; Cấp lại Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng bị mất là không quá 10 ngày…

Một điểm bổ sung khác tại Nghị định 01 là trường hợp hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có một phần diện tích đất tăng thêm không nằm trong giấy tờ được xem xét hợp thức hoá. Cụ thể, khi đo đạc mà diện tích thửa đất thực tế nhiều hơn trong GCN đã cấp và ranh giới thửa đất thực tế có thay đổi so với lúc cấp GCN thì được xem xét cấp sổ đỏ đối với phần diện tích đất tăng thêm. Điều này hướng đến giải quyết vướng mắc cho các hộ gia đình ở nông thôn, khi diện tích đất thực tế và trên giấy tờ không trùng khớp.

Hợp thức hoá đất chuyển nhượng bằng giấy tay

Tại hội nghị triển khai hướng dẫn Nghị định 01, ông Lê Văn Khoa – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đã chia sẻ, trong quá trình thực hiện Luật Đất đai 2013 thành phố gặp nhiều vướng mắc, một trong số đó là việc cấp sổ đỏ. Các đơn vị chuyên môn của thành phố đã có kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) và đến nay nhiều vấn đề đã được sửa đổi, bổ sung trong Nghị định 01 này.

Trong đó, vấn đề hợp thức hoá đất đai cho những trường hợp mua bán bằng giấy tờ sang tay đã được đưa vào nghị định. Theo đó, phạm vi thời hạn cấp sổ đỏ cho những trường hợp này đã được mở rộng đến trước ngày 1/1/2008, thay vì trước mốc ngày 1/7/2004 như trước đây.

Theo thống kê của Sở TN&MT TP.HCM đến tháng 9/2016, tính chung toàn thành phố còn khoảng 110.000 trường hợp chưa cấp sổ đỏ cũng như quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất vì không đủ điều kiện. Trong đó, có 37.466 (chiếm 42,3%) trường hợp do chuyển nhượng bằng giấy tay.

Như vậy, với quy định nới phạm vi xét cấp sổ đỏ với những trường hợp chuyển nhượng đất bằng giấy tay, từ ngày 3/3/2017 (thời điểm Nghị định 01 có hiệu lực thi hành) hàng ngàn người dân tại TP.HCM cũng như cả nước sẽ được hợp thức hoá phần đất của mình.
(theo tintuconline)

Người Trung Quốc lách luật "bám" Nha Trang

Dễ dàng bắt gặp từng tốp người Trung Quốc đi khắp TP Nha Trang sinh sống, làm ăn trong khi đó công tác quản lý của các cơ quan chức năng dường như đang lúng túng

Sau khi Báo Người Lao Động phản ánh tình trạng người Trung Quốc (TQ) mua đất đai, nhà cửa ở TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) diễn ra khá phức tạp thì mới đây, văn phòng Thừa phát lại (TPL) Nha Trang cho biết sẽ đứng ra làm vi bằng cho các trường hợp người Việt đứng tên cho người nước ngoài mua bán bất động sản.

Vi bằng hay lách luật?

Trong vai khách hàng muốn lập vi bằng cho người TQ mua nhà đất, chúng tôi tiếp cận một văn phòng TPL ở TP Nha Trang. Nhân viên ở đây cho biết việc nhờ người đứng tên mua nhà đất văn phòng này đã làm vi bằng cho nhiều người, chủ yếu là giữa người Việt và người Việt. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do người nước ngoài mua nhà đất nhiều nên mới nhận làm dịch vụ này cho cả người nước ngoài.

Theo đó, nhân viên TPL sẽ làm một thỏa thuận cam kết giữa người Việt đứng tên và người nước ngoài. TPL sẽ quay phim, ghi âm, chụp ảnh các thỏa thuận này để làm xác lập bằng chứng. "Chúng tôi sẽ theo dõi toàn bộ quá trình làm thỏa thuận, ký kết giữa các bên để làm bằng chứng. Các thỏa thuận, bằng chứng sẽ được nộp cho Sở Tư pháp để có giá trị pháp lý, phòng trường hợp xảy ra tranh chấp thì người nước ngoài có thể bảo vệ quyền lợi" - người này cho biết.

Chúng tôi thắc mắc về tính pháp lý vì người nước ngoài không được phép mua bán, giao dịch bất động sản trừ một số trường hợp luật pháp đã quy định, nhân viên TPL này khẳng định việc làm vi bằng là không sai. Khi xảy ra tranh chấp có thể dùng vi bằng này để thỏa thuận, kiện ra tòa hoặc đưa ra trọng tài quốc tế. Người này cũng báo giá việc làm vi bằng tùy thuộc vào giấy tờ, sổ sách, giá trị giao dịch. Đất đai có giá trị lớn thì phải cần 7-10 triệu đồng/lần làm vi bằng.


Một người Trung Quốc ngụ ở ngôi nhà này (xã Vĩnh Thạnh, TP Nha Trang) nhiều tháng qua.


TPL Nha Trang quảng bá để làm vi bằng khi "hợp tác" với người Trung Quốc

Nói về việc TPL đứng ra làm chứng cho những thỏa thuận giữa người Việt và người nước ngoài, một luật sư thuộc Đoàn Luật sư Khánh Hòa nhận định đó là hành vi lách luật. Bởi vì nếu làm hợp đồng thì buộc phải ra công chứng nhưng không văn phòng công chứng nào dám chứng cho hợp đồng trái pháp luật như vậy. Tuy nhiên, TPL chỉ được phép lập vi bằng cho hành vi đúng pháp luật chứ không phải lập vi bằng cho hành vi cấm.

Trong khi đó, ông Trần Quang Bình, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Khánh Hòa, cho rằng các hoạt động của TPL căn cứ vào Nghị định 61, 135 của Chính phủ quy định nhưng ở dạng hoạt động thí điểm, văn bản chính thức chưa đầy đủ nên các nội dung liên quan cần kiểm tra, xem xét lại.

Về tận làng, xã sinh sống

Hiện nay ở TP Nha Trang, người TQ không chỉ hiện diện ở đô thị mà còn len lỏi về các làng xã ngoại ô để sinh sống. Cách trụ sở UBND xã Vĩnh Thạnh, TP Nha Trang không xa là một căn nhà 3 tầng kín cổng cao tường, hằng ngày có nhiều tốp người TQ ra vào nói chuyện rôm rả.

Ở xã Vĩnh Trung, nhiều người TQ thuê nhà ở hợp tác làm ăn với người Việt rồi lưu trú tại địa phương. Như trường hợp doanh nghiệp Đ.T.P (thôn Võ Cang) có 5 người TQ trú ngụ tại đây làm ăn, thậm chí định mua lại cổ phần để hoạt động lâu dài. Tại căn nhà ở đường Nguyễn Khoái (phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang), một số người TQ cũng đang trú ngụ để làm việc cho tiệm bán quần áo ở đường Điện Biên Phủ…

Bà H.Q, giám đốc một công ty môi giới nhà đất, cho biết tình trạng người TQ thuê nhà ở TP Nha Trang rất phổ biến, những người này thường có thị thực du lịch rồi ở lại làm quản lý, hướng dẫn viên, nhân viên bán hàng hoặc thu mua hải sản.

Trong khi đó, chính quyền địa phương tỏ ra lúng túng trong việc quản lý các thành phần này. Ông Trịnh Quang Tuấn, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thạnh, cho biết có một nhóm người TQ thuê nhà ở địa phương. Công an xã đến kiểm tra thì do bất đồng ngôn ngữ nên không thể biết được họ thuê nhà để ở hay để làm gì. Khi hỏi chủ nhà thì người này cho biết chỉ hợp đồng với một người Việt thuê nguyên căn, còn người này dẫn người TQ về ở. "Có khả năng là người Việt Nam hoặc công ty du lịch đứng ra thuê hộ. Việc kiểm tra rất khó. Chúng tôi đã báo với công an TP, thời gian tới mới có thể kiểm tra, nắm lại được" - ông Tuấn giãi bày.

TIN LIÊN QUAN

Nhà hàng ở Đà Nẵng xuất phiếu tính tiền bằng tiếng Trung Quốc

Người Trung Quốc gom đất ở Nha Trang
Thượng tá Nguyễn Hồng Kỳ, Trưởng Công an TP Nha Trang, cho biết đã cử một tổ công tác đi đến các xã, phường trên địa bàn, rà soát toàn bộ nhà nghỉ, khách sạn để quản lý việc cư trú. Qua đó, ghi nhận rất nhiều trường hợp người TQ cư trú ở xã Phước Đồng, Vĩnh Trung, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Hiệp… Mới đây, có 2 trường hợp người TQ ở phường Vĩnh Hòa có dấu hiệu vi phạm pháp luật cũng đang được công an xử lý.

Những dấu hiệu bất thường

Ngày 26-2, ông Trần Hòa Nam, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa, cho biết theo chỉ đạo của UBND tỉnh, sở đang rà soát lại 173 doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động có thay đổi cổ đông do chuyển nhượng cổ phần cho người nước ngoài. Sở đang chỉ đạo Phòng Đăng ký kinh doanh rà soát có bao nhiêu doanh nghiệp đã bán cổ phần cho người TQ, từ đó tham mưu cho UBND tỉnh quản lý lao động nước ngoài. Sở dĩ phải làm như vậy vì hiện nay, cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa nhận thấy điều bất thường là người Việt đăng ký thành lập doanh nghiệp, sau đó trong thời gian rất ngắn đã chuyển nhượng cổ phần cho người nước ngoài. Người nước ngoài tạo cớ lưu trú lâu dài tại Việt Nam mà không cần đăng ký visa và thực hiện các hoạt động kinh doanh trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu rà soát lại các thủ tục không phù hợp với thực tiễn, tạo kẽ hở cho người nước ngoài và doanh nghiệp trong nước lách luật và đề xuất trung ương điều chỉnh.

Tiếp tay người Trung Quốc gom đất: Lợi bất cập hại

Tình trạng người TQ gom đất thông qua người Việt Nam đứng tên giùm để hưởng "thù lao" trong các giao dịch kinh doanh bất động sản tại TP Nha Trang là vi phạm pháp luật và đây là giao dịch dân sự vô hiệu. Các cơ quan quản lý tại địa phương cần có biện pháp kiểm tra, phát hiện xử lý kịp thời để hạn chế những bất ổn về kinh tế, an ninh xã hội.

Trừ trường hợp người TQ kết hôn với công dân Việt Nam thì được sở hữu nhà ở ổn định, lâu dài và có các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam. Còn việc bán nhà ở hoặc đứng tên giùm cho người TQ gom nhà đất là lợi bất cập hại. Đây là hành vi tiếp tay cho các giao dịch trái pháp luật của người TQ. Khi xảy ra khiếu nại, tố cáo, tranh chấp… thì tùy theo tính chất mức độ vi phạm các bên sẽ xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự (thường là tội lạm dụng tín nhiệm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trốn thuế …).

Vậy thì TPL có quyền lập vi bằng đối với việc đứng tên giùm người TQ mua nhà đất hay không? Theo Nghị định 61/2009/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của TPL thực hiện thí điểm tại TP HCM, đây là tổ chức được thành lập để làm các công việc về thi hành án dân sự, tống đạt giấy tờ, lập vi bằng và các công việc khác theo quy định của nghị định và pháp luật có liên quan. TPL có quyền lập vi bằng đối với các sự kiện, hành vi theo yêu cầu của đương sự, trừ trường hợp quy định tại điều 6 Nghị định 61/2009/NĐ-CP; các trường hợp vi phạm quy định về bảo đảm an ninh, quốc phòng, đời tư, đạo đức xã hội và các trường hợp pháp luật cấm.

Vi bằng là văn bản do TPL lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác. Vi bằng có giá trị chứng cứ để tòa án xem xét khi giải quyết vụ án. Vi bằng là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, việc người TQ gom mua nhà đất và nhờ người Việt đứng tên "giùm" là vi phạm điều cấm của luật pháp. Do đó, tôi cho rằng yêu cầu lập vi bằng phục vụ cho giao dịch không hợp pháp sẽ không được chấp nhận. Về nguyên tắc chung luật chỉ bảo vệ quyền lợi hợp pháp chứ không bảo vệ quyền lợi các bên trong giao dịch trái luật.

LS Nguyễn Hồng Hà (Phó Chủ nhiệm Đoàn LS Khánh Hòa)

Phê duyệt dự án đập ngăn mặn trên sông Cái

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình đập ngăn mặn trên sông Cái Nha Trang. Theo đó, dự án sẽ được xây dựng cách cầu đường sắt 75m về phía hạ lưu với tổng vốn đầu tư hơn 700 tỷ đồng.

Dự án đa năng

Hàng chục năm nay, việc ngăn mặn trên sông Cái phụ thuộc vào đập ngăn mặn tạm ở xã Vĩnh Phương (TP. Nha Trang). Tuy nhiên, những năm gần đây, khi nắng hạn kéo dài, khi phía dưới đập xảy ra tình trạng triều cường thì nước trên đập bị nhiễm mặn, ảnh hưởng đến nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho toàn TP. Nha Trang và các vùng lân cận. Bên cạnh đó, vấn đề giao thông phục vụ người dân hai bên bờ sông xã Vĩnh Ngọc phụ thuộc vào cây cầu gỗ Phú Kiểng nên mỗi mùa mưa, cầu bị trôi hoặc phải tháo dỡ cầu cất đi thì người dân gặp khó khăn trong đi lại. Chính vì vậy, việc xây dựng một đập ngăn mặn kết hợp cầu phục vụ giao thông là hết sức cần thiết.


Vị trí xây dựng đập ngăn mặn trên sông Cái cách cầu đường sắt 75m về phía hạ lưu.
Theo Ban quản lý Dự án phát triển tỉnh, dự án đập ngăn mặn trên sông Cái Nha Trang là công trình cấp 3, có diện tích sử dụng đất hơn 3ha. Công trình này trùng với tuyến đường vành đai 2 đã được quy hoạch, nằm cách cầu đường sắt 75m về phía hạ lưu. Phương án đã được UBND tỉnh chọn là xây dựng đập ngăn mặn dạng đập trụ đỡ, đóng mở bằng cửa van trục dưới, có âu thuyền, phía trên bố trí cầu giao thông. Cụ thể, đập gồm 5 khoang, mỗi khoang rộng 30m, kết cấu bằng thép không gỉ, đóng mở bằng xilanh thủy lực. Âu thuyền được bố trí phía bờ hữu, hình chữ nhật, có chiều dài 67m. Cầu giao thông trên đập gồm 10 nhịp, mỗi nhịp dài 33m, bề rộng 26m, tổng chiều dài của cầu là 400m, bao gồm phần đường dẫn hai đầu cầu. Bên cạnh đó, dự án còn xây dựng kè gia cố hai bên phía thượng lưu và hạ lưu theo dạng kè đứng; đồng thời xây nhà quản lý với diện tích 150,2m2 để phục vụ công tác quản lý điều hành.

Ông Châu Ngô Anh Nhân – Giám đốc Ban quản lý Dự án phát triển tỉnh cho biết, dự án đập ngăn mặn trên sông Cái Nha Trang rất khả thi và phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Dự án được xây dựng theo công nghệ mới, kết hợp giữa cầu và đập, sau khi đi vào hoạt động sẽ phục vụ nhiệm vụ ngăn mặn và giải quyết vấn đề giao thông, đặc biệt là khớp nối với dự án đường vành đai 2 của tỉnh.

Dự kiến cuối năm sẽ triển khai

Theo quyết định phê duyệt dự án đầu tư của UBND tỉnh, dự án đập ngăn mặn trên sông Cái Nha Trang có nhiệm vụ ngăn chặn tình trạng nhiễm mặn trên sông Cái Nha Trang vào mùa khô, đảm bảo mặt cắt thoát lũ vào mùa mưa, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho khoảng 500.000 dân của TP. Nha Trang, một phần huyện Diên Khánh, phục vụ họat động du lịch, đồng thời đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ cho 2.000ha đất nông nghiệp hai bên bờ sông và nước sản xuất cho Nhà máy Sợi Nha Trang. Dự án còn có nhiệm vụ kết hợp giao thông qua sông Cái theo đường vành đai, cải thiện điều kiện giao thông, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội cho toàn thành phố. Bên cạnh đó, dự án còn có khả năng điều tiết một phần dòng chảy sang phía sông Tắc, sông Quán Trường để cải tạo môi trường đô thị cho phía tây và nam của Nha Trang.


Mô hình đập ngăn mặn trên sông Cái.
Ông Nhân cho biết, tổng mức đầu tư của dự án hơn 759,5 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng gần 550 tỷ đồng, chi phí thiết bị hơn 38,5 tỷ đồng, chi phí đền bù hơn 27,7 tỷ đồng. Trước mắt, ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ cho tỉnh 208 tỷ đồng thông qua Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 – 2020. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cấp vốn cho tỉnh triển khai dự án. Tuy nhiên, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch – Đầu tư đang trong quá trình thẩm định nguồn vốn. Phần vốn còn thiếu, tỉnh sẽ bổ sung trong giai đoạn 2020 – 2025. “Nếu tiến độ giao vốn từ trung ương thuận lợi thì bắt đầu từ quý IV/2018, dự án sẽ được triển khai công tác hội thảo khoa học, thiết kế thi công và đấu thầu. Sau đó, ban sẽ tiến hành thống kê các hộ bị thu hồi đất để đền bù, tái định cư”, ông Nhân cho biết.

VĂN KỲ – Theo Báo Khánh Hòa

Những chính sách tác động đến thị trường bất động sản 2018

Theo nhiều chuyên gia dự đoán, thị trường bất động sản 2018 có thể vẫn tiếp tục phục hồi, tăng trưởng, giữ được sự phát triển ổn định; các phân khúc thị trường và sản phẩm bất động sản sẽ có sự tái cơ cấu lại hợp lý hơn nữa.

Năm Mậu Tuất, phân khúc thị trường nhà ở vừa túi tiền loại căn hộ 1-2 phòng ngủ có giá bán trên dưới 1 tỷ đồng/căn vẫn tiếp tục giữ vai trò chủ đạo và dự báo giá bán nhà ở sẽ không có biến động lớn. Các dự án “bất động sản xanh”, có không gian sống thân thiện môi trường theo hướng thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu sẽ là xu thế được lựa chọn.

Để đạt được mục tiêu nêu trên, cần phải có sự nỗ lực đồng bộ từ cơ quan nhà nước đến các tổ chức tín dụng và cộng đồng doanh nghiệp, trước hết là các doanh nghiệp bất động sản. Nhưng thị trường bất động sản năm 2018 cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn về quan hệ cung – cầu; tiếp cận quỹ đất đầu tư; thủ tục hành chính; thiếu vốn…

“Trước hết là khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng ngân hàng, do Ngân hàng Nhà nước đang tiếp tục thực hiện lộ trình hạn chế dần nguồn tín dụng vào thị trường bất động sản. Tuy nhiên, áp lực này cũng sẽ là động lực buộc các doanh nghiệp bất động sản phải tìm kiếm các giải pháp phù hợp để vượt qua, vươn lên để phát triển bền vững, thích ứng với môi trường kinh doanh hoàn toàn mới”, ông Đoàn Thanh Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Hưng Thịnh Land nói.


Dự báo thị trường bất động sản 2018 có thể vẫn tiếp tục phục hồi, tăng trưởng, giữ được sự phát triển ổn định. Thị trường căn hộ nghỉ dưỡng ở Nha Trang hiện nay vẫn đang phát triển nhất cả nước.
Trong khi đó, dưới góc độ là đơn vị tham mưu chuyên ngành cho UBND TPHCM, Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA) đã nêu ra những chính sách, quy định mới đã và sẽ ban hành tác động trực tiếp đến thị trường bất động sản năm 2018 để doanh nghiệp và nhà đầu tư lưu ý.

Những chính sách đáng chú ý như Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, sẽ định hướng phát triển thị trường bất động sản du lịch trong năm 2018 cũng như trong trung hạn và dài hạn; Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu, sẽ tạo điều kiện để tái khởi động lại các dự án bất động sản là tài sản bảo đảm cho các khoản nợ xấu đang bị ngừng triển khai; Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TPHCM sẽ tạo điều kiện để thành phố bức phá, là đầu tàu của nền kinh tế, là đô thị hạt nhân, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của thị trường bất động sản thành phố và cả khu vực.

Ngoài ra, dự kiến Quốc hội sẽ xem xét ban hành Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (đặc khu kinh tế); và sẽ xem xét ban hành nhiều dự luật có liên quan trực tiếp đến thị trường bất động sản. Chính phủ thường xuyên ban hành Nghị quyết 19 với chuyên đề cải cách thủ tục hành chính, kiến tạo môi trường kinh doanh; và đã chỉ đạo Bộ Tư pháp thực hiện “Dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (GIG), về hoàn thiện pháp luật đăng ký tài sản: động sản và bất động sản”…, sẽ giúp ngày càng hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý minh bạch, thông thoáng cho các hoạt động của thị trường bất động sản.

Đặc biệt là Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 của Chính phủ có liên quan trực tiếp đến thị trường bất động sản, với phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”. Trong đó, Nghị quyết 01 yêu cầu kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro (trong đó, có lĩnh vực bất động sản); chấn chỉnh những bất cập trong các dự án đối tác công tư, nhất là các dự án BOT; theo dõi sát diễn biến, thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường bất động sản. Nghiên cứu và thực hiện có hiệu quả các công cụ, giải pháp để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, tăng giá bất hợp lý, bảo đảm tính công khai minh bạch của thị trường; tập trung cải cách thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, thuế, tiếp cận tín dụng, giảm thời gian thực hiện thủ tục và chi phí hoạt động của người dân, doanh nghiệp.

“Những chính sách trên sẽ tác động trực tiếp đến thị trường bất động sản năm 2018. Do đó, các doanh nghiệp cần đảm bảo hiệu quả kinh doanh, trước hết là đảm bảo chỉ tiêu lợi nhuận; doanh thu; chuẩn bị được quỹ đất, dự án đầu tư phát triển; chất lượng công trình, tiến độ thực hiện dự án; tính minh bạch trong quản trị doanh nghiệp… để đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng ngân hàng theo chính sách mới hiện nay và chuẩn bị sẵn sàng cho việc hạn chế tín dụng vào bất động sản dự kiến áp dụng kể từ ngày 01/01/2019”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nói.

Công Quang – Theo dantri.com.vn

Chính chủ cần bán nhà cấp 4 ngay trung tâm tp Nha Trang

Cần bán nhà cấp 4 TP Nha Trang:
- Diện tích: 126 m2(Diện tích xây dựng 77.7m2)
- Đất ở đô thị(lâu dài)
- Nhà cấp 4
- Gần biển, trường, chợ

Liên hệ: 0929 365 679 - 01255 29 39 79 - gặp Quyền






Quy hoạch lại bờ biển Trần Phú – Phạm Văn Đồng Nha Trang

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa thống nhất điều chỉnh quy hoạch phân khu khu vực phía đông đường Trần Phú – Phạm Văn Đồng, TP. Nha Trang. Theo Công ty Cổ phần Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam (đơn vị tư vấn thiết kế), dọc đường Trần Phú và Phạm Văn Đồng hiện nay đang tồn tại tình trạng ngăn cách giữa đô thị phía Tây và dải công viên bờ biển. Vì vậy, cần đưa ra giải pháp kết nối tốt hơn giữa biển, công viên ven biển và đô thị để nâng cao giá trị của dải đô thị ven biển.


Một góc đường Trần Phú – Phạm Văn Đồng
Đơn vị tư vấn cho rằng, khu vực đầu cầu Trần Phú hiện chỉ có Nhà nghỉ 378 và Công viên Yersin, trong khi hiệu quả sử dụng công viên này rất thấp. Lân cận có Dự án Tổ hợp khách sạn căn hộ cao cấp Mường Thanh Khánh Hòa và Khu đô thị mới cồn Tân Lập đang xây dở, nguồn nước biển bị ảnh hưởng bởi nước sông Cái.

Giải pháp ở khu vực này là tổ chức không gian điểm nhấn sinh động với công trình trung tâm nghiên cứu hải dương học và các công trình dịch vụ trong vườn dừa kết hợp với các quảng trường, đường dạo công viên ven biển.

Nhà nghỉ 378 cần chuyển đổi thành công trình dịch vụ với các hướng mở kết nối với cảnh quan công cộng lân cận và thu nhỏ quy mô so với quy mô công trình hiện nay, bảo đảm không gian đi bộ công cộng tại vị trí ven mặt nước, đảm bảo không chắn tầm nhìn từ đường Nguyễn Bỉnh Khiêm.


Nhà nghỉ 378 Nha Trang
Hiện trạng phía Tây đường Trần Phú hiện nay chủ yếu là khách sạn, phía Đông là công viên, ít công năng sử dụng, ngoài khu vực Nhà hàng Bốn Mùa. Đơn vị tư vấn đề xuất dải công viên bờ biển phía nam cầu Trần Phú chia thành 2 phần: Một phần phục vụ cảnh quan đô thị như: chỗ dạo, chỗ ngồi chơi, thể dục; Một phần chủ yếu phục vụ bãi biển như: nhà hàng, nhà tắm… Tương lai cần tăng tính liên thông dọc bờ biển thành một chuỗi liên tục; tạo độ chênh cốt nền thành nhiều bậc mở về phía biển.

Theo đề xuất của đơn vị tư vấn thiết kế, khu vực Nhà hàng Sailing Club và Lousiane tuy có đóng góp tích cực cho hoạt động trong dải bờ biển nhưng vẫn tạo cảm giác đóng kín, chia cắt không gian, mất mỹ quan.

Khu resort Ana Mandara có tường cao che chắn, tạo thành rào cản giữa đô thị và bờ biển cả về công năng lẫn thị giác. Tuy nhiên, hệ thống cảnh quan và nhà cửa của công trình khá đẹp nên nếu di chuyển resort này thì có thể giữ lại một vài công trình kiến trúc giá trị, mở thành không gian dịch vụ công cộng, giảm bớt mật độ xây dựng.

Tại khu vực các nút giao giữa khu sân bay Nha Trang cũ và dải đất ven biển, đơn vị tư vấn đề xuất quảng trường Đại Dương được tổ chức kết hợp với bảo tàng, triển lãm và tổ hợp khách sạn thành một quần thể công trình điểm nhấn tại điểm kết thúc của trục đường 66m khu đô thị sân bay, vượt qua đường Trần Phú, kết nối với không gian ven biển.

Đề xuất đường Trần Phú thành đường một chiều

Một trong những vấn đề trọng yếu của khu vực trung tâm TP. Nha Trang là đường Trần Phú có mật độ giao thông cơ giới quá cao, gây cản trở cho việc liên thông giữa đô thị và biển. Một trong những giải pháp nhằm giảm thiểu nhược điểm này là chuyển một phần trung tâm của đường Trần Phú thành đường một chiều, khu vực được đề xuất là từ đường Trần Quang Khải đến đường Lê Lợi. Giải pháp này vừa khiến dải đô thị ven biển hấp dẫn hơn, vừa giảm thiểu được độ nguy hiểm và tác động ngăn cách của đường Trần Phú.

Các chuyên gia cho rằng, đã từ lâu khu vực dọc đường Trần Phú – Phạm Văn Đồng vẫn chưa được quy hoạch phân khu, chưa có các quy định để quản lý trên tổng thể về quy hoạch xây dựng, về không gian, kiến trúc, cảnh quan… Để đảm bảo không gian ven biển được phát triển bền vững, đáp ứng đầy đủ các tiện ích công cộng thiết yếu có chất lượng và giữ được bản sắc của thành phố bên bờ vịnh này thì việc lập quy hoạch phân khu khu vực phía Đông đường Trần Phú – Phạm Văn Đồng được coi là cấp thiết.

Bản quy hoạch cũng khắc phục một số yếu điểm thiếu không gian công cộng để tổ chức phục vụ các sự kiện quy mô lớn, thiếu các tiện ích công cộng và các loại hình hoạt động vui chơi giải trí chất lượng cao đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách và khai thác được hết tiềm năng của bãi biển; thiếu các công trình “điểm nhấn” tạo dấu ấn riêng cho cảnh quan khu vực, giúp tăng cường thu hút các hoạt động dịch vụ và du lịch.

Bên cạnh đó, việc quy hoạch phân khu còn giúp cải thiện chất lượng môi trường, cảnh quan bãi biển đang có xu hướng xuống cấp do việc khai thác du lịch chưa hợp lý kéo dài qua hàng chục năm.

THIÊN BÌNH – Theo enternews.vn
 
Sàn giao dịch Bất động sản metaLands . Design by Mr Quyen